Doanh nghiệp dệt may cạn đơn hàng

Nhiều doanh nghiệp dệt may cho biết chỉ còn đơn hàng đến tháng 4, trong khi thời điểm này năm ngoái, đối tác đặt hàng hết quý II, thậm chí cả năm.

Giám đốc sản xuất một doanh nghiệp dệt may ở khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức) cho biết cùng kỳ năm ngoái, doanh nghiệp ông phải chọn lọc đối tác để ký hợp đồng, nay chỉ có đơn hàng đến cuối tháng này.

Tương tự, theo ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc nhân sự Công ty cổ phần Dệt may – Đầu tư thương mại Thành Công, đơn hàng đã nhận cho quý II chỉ đáp ứng khoảng 80% năng lực sản xuất của công ty. “Năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu lợi nhuận bằng năm ngoái nhưng với tình hình này rất khó để doanh nghiệp về đích”, ông Tuấn nói.

Cùng trong vòng vây khó khăn, ông Cao Hữu Hiếu – Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, cho rằng tình hình thị trường những tháng đầu năm rất xấu. Nhiều giá trị đơn hàng giảm 2-3%. Các doanh nghiệp trong tập đoàn cũng chỉ có hàng sản xuất đến hết tháng 4, trong khi năm trước tới tháng 12.

Công nhân làm việc trong nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: An Phương

Công nhân làm việc trong nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam. Ảnh: An Phương

Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TP HCM – cho rằng giao dịch tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu chưa có dấu hiệu phục hồi. Nhiều nhà máy cho biết đơn hàng đang giảm 20-30%, đơn giá còn 80% so với trước. Nhiều công ty vẫn chưa có đơn hàng cho giai đoạn nửa cuối năm.

Lý giải thực trạng trên, ông Hiếu cho rằng do nhu cầu trên thế giới giảm 60-70%. Quy mô thị trường dự báo từ 750 tỷ USD xuống còn 712 tỷ USD, thậm chí còn 687 tỷ USD trong năm nay. Do đó, các doanh nghiệp trong tập đoàn nói riêng và toàn ngành nói chung sẽ đối diện một năm vô cùng khó khăn.

Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán VnDirect, Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp dệt may năm nay. Quốc gia này đang là đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam tại thị trường Mỹ.

Dẫn số liệu của Văn phòng Dệt may Mỹ cho thấy, giá trị nhập khẩu hàng dệt may Trung Quốc năm ngoái đạt hơn 132 tỷ USD, chiếm gần 26% thị phần – là nhà cung cấp hàng dệt may lớn nhất cho Mỹ – theo sau là Việt Nam với 14,87% thị phần.

Trước hàng loạt rào cản và thách thức, theo ông Hồng, doanh nghiệp dệt may đang cấp tập tìm đơn hàng, chuyển đổi để chờ sự phục hồi trở lại của thị trường Mỹ. Họ liên tục tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để có thêm thị trường mới.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn cho biết thêm, công ty đang chấp nhận những đơn hàng giá gia công thấp, thậm chí lỗ để duy trì lượng khách hàng, tạo việc làm cho người lao động. “Chúng tôi kỳ vọng nửa cuối năm, thị trường phục hồi bù đắp cho nửa đầu năm”, ông Tuấn chia sẻ.

Về phía Vinatex, tập đoàn đang lên kế hoạch đảm bảo dòng tiền, chuẩn bị nguồn lực đón đầu khi thị trường ấm lên. Tập đoàn này tiết giảm các quy trình thừa, tìm kiếm các công nghệ hiện đại để sản xuất thông minh với chi phí thấp nhưng năng suất cao.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, để ngành dệt may phát triển bền vững, ngành đang kêu gọi đầu tư vào chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu để giải quyết phần cung thiếu hụt, đồng thời, xây dựng các giải pháp bán hàng FOB (mua nguyên liệu, sản xuất, bán thành phẩm), ODM (thiết kế và sản xuất theo đơn đặt hàng)…

Ông Giang cũng kỳ vọng dệt may Việt Nam có thể khởi sắc sau triển lãm lớn nhất ngành dệt may được tổ chức tại TP HCM ngày 5/4. Đây là triển lãm lớn nhất của ngành này từ trước tới nay. Triển lãm quy tụ hàng trăm gian hàng trưng bày thiết bị thông minh trên thế giới, với nguyên phụ liệu của 1.300 công ty đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguyên phụ liệu, trao đổi với đối tác về hoạt động kinh doanh; tận dụng các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay RCEP.

Ngoài ra, xu hướng của người mua thế giới đã thay đổi. Họ đòi hỏi đơn đặt hàng không chỉ chất lượng cao mà phải nhanh. Do đó, doanh nghiệp phải cập nhật sớm các thiết bị đáp ứng nhu cầu của thị trường; mở rộng, đầu tư chiều sâu đi đôi với bảo vệ môi trường xanh hóa dệt may.

Theo nhiều dự báo, ngành dệt may có phục hồi nhẹ vào quý II, nhưng sẽ phải cạnh tranh gay gắt về giá từ các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ và Trung Quốc. Còn với ngành sợi, thị trường vẫn ảm đạm. Giá bán sợi trên thị trường hiện ở mức thấp trong khi giá bông đưa vào sản xuất tại các đơn vị tăng cao.

Thi Hà – VNEXPRESS.NET

Thách thức cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 4 khi lượng đơn hàng giảm và tỷ giá leo thang

Thách thức cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 4 khi lượng đơn hàng giảm và tỷ giá leo thang

Theo VDSC, đơn đặt hàng hàng may mặc có thể chậm lại do tác động tiêu cực của thị trường trong bối cảnh lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao từ phía khách hàng.

Mới đây, doanh nghiệp đầu tiên ngành dệt may đã công bố kết quả kinh doanh quý 3/2022. Cụ thể, Dệt may TNG đã công bố doanh thu tiêu thụ quý 3 đạt 2.018 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu kỷ lục tính theo quý của công ty. Trong đó, doanh thu xuất khẩu chiếm 97% với 1.964 tỷ đồng, thị trường chính gồm Mỹ, Pháp, Nga.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu tiêu thụ đạt 5.247 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ và hoàn thành tới 88% kế hoạch năm. Điều này mở ra kỳ vọng mua báo cáo kết quả kinh doanh ấn tượng của nhóm doanh nghiệp dệt may xuất khẩu. Tuy nhiên, thực tế đang cho thấy nhiều dấu hiệu bị ngấm đòn bởi lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu của ngành dệt may, cục diện đã bắt đầu đảo chiều.

Theo số liệu mới được công bố bởi Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu ngành hàng dệt may Việt Nam (bao gồm xơ, sợi, vải các loại) trong 9 tháng đầu năm đạt 33 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Song, nếu so với tháng 8 thì con số này đã giảm gần 1,2 tỷ USD.

Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), đây là dấu hiệu cho việc các đơn đặt hàng của khách hàng giảm đi đáng kể, và quý 4 năm nay có lẽ không còn là mùa cao điểm của các doanh nghiệp dệt may dưới tác động tiêu cực của vĩ mô. Ngoài việc nhu cầu giảm có thể tiếp diễn sang 2023 thì nỗi lo về hàng tồn kho cao từ phía khách hàng cũng đè nặng lên các doanh nghiệp dệt may trong cuối năm nay.

Thách thức cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 4 khi lượng đơn hàng giảm và tỷ giá leo thang - Ảnh 1.

Thách thức trong nửa cuối năm 2022 và năm 2023 với nguy cơ đơn đặt hàng bị cắt giảm

Theo VDSC, đơn đặt hàng hàng may mặc có thể chậm lại do tác động tiêu cực của thị trường trong bối cảnh lạm phát cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ và EU, kết hợp với lượng hàng tồn kho cao từ phía khách hàng.

Cùng với đó, FIFA World Cup 2022 tại Qatar được cho là sẽ không tạo lên khởi sắc cho các doanh nghiệp sản xuất đồ thể thao hay giày dép trong nửa cuối năm nay. Bởi lẽ đây kỳ World Cup đầu tiên không được tổ chức trong kỳ nghỉ hè và dự kiến chỉ diễn ra trong thời gian ngắn.

Trong khi nhu cầu chậm lại, hàng tồn kho bán lẻ vẫn tăng. Do vậy, VDSC đánh giá nhu cầu giảm và chu kỳ tồn kho kéo dài sẽ làm lu mờ triển vọng đơn đặt hàng may mặc trong năm 2023, hoặc sẽ có ảnh hưởng ngay từ quý 4/2022.

Thách thức cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 4 khi lượng đơn hàng giảm và tỷ giá leo thang - Ảnh 2.

Tỷ giá leo thang tác động đến các doanh nghiệp dệt may trong nước

Ngoài ra, yếu tố được xét đến là tỷ giá USD/VND đang trong xu hướng tăng. Tuy nhiên việc tỷ lệ mất giá của đồng thấp so với đà mất giá chung trong khu vực. Điều này lại trở thành ngưỡng cản, làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam trên thị trường xuất khẩu so với các nước khác như Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,…

Thách thức cho nhóm doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 4 khi lượng đơn hàng giảm và tỷ giá leo thang - Ảnh 3.

Mặt khác, mặc dù nhiều doanh nghiệp dệt may có doanh thu bằng USD – đồng nghĩa sẽ ít chịu áp lực từ tỷ giá tăng – tuy nhiên VDSC cho biết, các doanh nghiệp vẫn phải chịu chi phí mua nguyên vật liệu đầu vào, chi phí logistics, và chi phí lãi vay cũng bằng đồng USD. Đặc biệt là chi phí trả lãi vay ngắn hạn bằng đồng USD sẽ tăng cao trong thời kỳ lãi suất tăng cao và nhiều biến động như hiện tại.

Do vậy, trong trường hợp doanh thu bằng đồng USD không đủ để bù đắp phần chi phí, các doanh nghiệp dệt may sẽ chịu tác động tiêu cực khi tỷ giá USD/VND leo thang. Ngoài ra, một số doanh nghiệp dệt may có thị trường tiêu thụ tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng khi sức mua của khách hàng châu Âu suy yếu do đồng EUR đã suy giảm đáng kể.

Phương Linh

Nhịp Sống Kinh Tế

http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/thach-thuc-cho-nhom-doanh-nghiep-xuat-khau-det-may-trong-quy-4-khi-luong-don-hang-giam-va-ty-gia-leo-thang-2022100723014187.htm

Dệt may, da giày suy giảm đơn hàng cuối năm, đâu là giải pháp vực dậy?

Nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm khiến đơn hàng xuất khẩu của dệt may, da giày sụt giảm vào giai đoạn cuối năm.

Khó chồng khó

Trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành da giày đã vượt kế hoạch đặt ra, tăng trưởng 14% và theo số liệu mới nhất 7 tháng là tăng trưởng 13%, đạt trên 14 tỷ USD. Mức tăng trưởng này là tăng đều các thị trường trọng điểm như thị trường Bắc Mỹ tăng trưởng 24%; thị trường EU tăng 17,5%…

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chia sẻ về những khó khăn của ngành dệt may, da giày, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam cho biết, thị trường EU và Hoa Kỳ đang giảm sút về nhu cầu tiêu dùng. Đây là những thị trường xuất khẩu chủ lực của da giày Việt Nam nên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức mua trong những tháng cuối năm.

“Ngoài ra da giày đang tồn kho khá lớn, hiện tồn kho do gián đoạn chuỗi cung ứng tác động đến tồn kho tiêu thụ hàng hoá khiến đơn hàng cuối năm có phần chững lại. Đặc biệt các đơn hàng từ nay đến quý I/2023 của các doanh nghiệp da giày đã gần như bị suy giảm”, bà Phan Thị Thanh Xuân cho hay.

Tương tự, ngành dệt may – một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng đối diện nhiều khó khăn. Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Tập đoàn cũng đã có đánh giá chung cho 6 tháng cuối năm. “Chúng ta có thể nhìn thấy những rủi ro, tình hình lạm phát và những căng thẳng trên thế giới khiến nhu cầu tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng”, ông Vương Đức Anh đánh giá.

Đại diện Tập đoàn dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành may, những khó khăn xuất hiện khi nhu cầu 6 tháng cuối năm có thể sụt giảm khi tình trạng quá mua ở các thị trường còn tồn tại. Đơn cử như tháng 3 vừa qua Uỷ ban châu Âu đã thông qua một Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may của EU. Các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ trong chuỗi giá trị, kể cả khi chúng trở thành chất thải. Đây cũng là một khó khăn, thách thức cho ngành dệt may khi những yêu cầu được luật hoá.

Chú thích ảnh
Ngành dệt may đối diện nhiều thách thức trong nửa cuối năm 2022.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, ngành dệt may Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước mắt khi nguy cơ tái bùng phát bởi các biến chủng COVID-19 mới vẫn đang hiện hữu. Nhiều thị trường là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… và diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay. Cụ thể, giá bông tăng 19,1%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 – 25%.

“Cũng phải nói thêm rằng, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt”, ông Vũ Đức Giang cho hay.

Đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng FTA

Để cứu vãn tình trạng suy giảm đơn hàng, giới chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung tại một số thị trường, mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.

Theo ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), doanh nghiệp cần khai thác tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết để hưởng ưu đãi về thuế quan, nhằm tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh, hiện nhiều nước đang triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu. “Chính vì vậy, thời gian tới xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đã có hiệp định thương mại tự do được dự báo sẽ khả quan, xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng là điểm sáng của nền kinh tế, đảm bảo việc làm cho người lao động và giúp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu”,  đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho hay.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Thị Thanh Xuân – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đề xuất, các doanh nghiệp sản xuất không nên tập trung một số thị trường mà cần đa dạng hoá thị trường từ nguồn cung cho đến các thị trường xuất khẩu.

Cũng theo bà Phan Thị Thanh Xuân, cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ngành da giày mới chỉ sản xuất được các dòng sản phẩm có chất lượng mới ở mức trung bình của thế giới, nếu chất lượng nguồn nhân lực, kỹ năng, tay nghề của đội ngũ lao động được nâng lên thì sẽ đem lại giá trị cao hơn cho sản phẩm.

“Chúng ta cũng cần tập trung phát triển dòng nguyên phụ liệu hướng tới phát triển bền vững, như môi trường xanh, sạch để bắt kịp với xu hướng của thế giới, vừa đảm bảo ổn định cho ngành sản xuất, vừa gia tăng cơ hội tiếp cận chuỗi cung ứng một cách bền vững”, đại diện Hiệp hội Da giày – Túi xách Việt Nam đề xuất.

Ông Vương Đức Anh – Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho hay, đối với hoạt động xuất khẩu nói chúng và xuất khẩu dệt may nói riêng, có Quyết định số 493/QĐ-TTg ngày 19/4/2022 về Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, chiến lược đó vẫn chưa quy định cụ thể mục tiêu mà 2 ngành dệt may và da giày cần phải hướng tới trong thời gian tới.

“Chúng tôi mong muốn có 1 chiến lược trong giai đoạn 2025 đến 2030 cho ngành dệt may và da giày theo định hướng của Chính phủ để 2 ngành này phát triển theo hướng nào, phát triển ở đâu, ngành dệt may Việt Nam phát triển như thế nào để duy trì tính bền vững của xuất khẩu”, đại diện Tập đoàn Dệt may Việt Nam kiến nghị.

Bài, ảnh: Thu Trang/Báo Tin tức
Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/det-may-da-giay-suy-giam-don-hang-cuoi-nam-dau-la-giai-phap-vuc-day-20220818161142111.htm

Ngành dệt may gặp khó khăn cho đến nửa đầu năm 2023

SSI Research: Ngành dệt may gặp khó khăn cho đến nửa đầu năm 2023

Các công ty dệt may sẽ gặp khó khăn về đơn đặt hàng từ quý IV cho đến tháng 6 năm 2023 do lo ngại lạm phát và hàng tồn kho mức cao của khách hàng.

Theo báo cáo cập nhật ngành dệt may của SSI Research, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam đạt 31,3 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 16,4%. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 24,3 tỷ USD, tăng 24,6% và kim ngạch xuất khẩu sợi đạt 3,5 tỷ USD, giảm 5%. Xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,9 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ và chiếm 41% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 8 năm 2022, xuất khẩu hàng may mặc đạt 3,7 tỷ USD, tăng 53%. SSI Research cho rằng đây là kết quả theo tháng cao kỷ lục cả về tốc độ tăng trưởng và số liệu tuyệt đối. Một số công ty như Dệt may TNG ( HNX: TNG ) và Dệt may Thành Công ( HoSE: TCM ) vẫn nhận được một số lượng lớn đơn đặt hàng để giao cho mùa lễ hội trong quý III năm nay.

SSI Research: Ngành dệt may gặp khó khăn cho đến nửa đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam theo tháng. Nguồn: SSI Research

Dù vậy, SSI Research cho rằng tình hình trong quý IV sẽ không khả quan. Về đơn đặt hàng, đơn vị này cho rằng các công ty dệt may gặp khó khăn từ quý IV cho đến 6 tháng đầu năm 2023 do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Trong nửa đầu tháng 9 năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỷ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8 năm 2022, cho thấy sự chậm lại đáng kể trong đơn đặt hàng. Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV thấp hơn 25-50% so với quý II (tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính của SSI Research)

Trong đó, tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Mỹ và EU so với những doanh nghiệp có lượng khách hàng lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Dệt may Thành Công có doanh thu xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm 40% tổng doanh thu. SSI Research nhận định các công ty tương tự có thể ghi nhận mức giảm doanh thu thấp hơn những doanh nghiệp tập trung hơn vào thị trường Mỹ và EU như May Sông Hồng ( HoSE: MSH ) và Gilimex ( HoSE: GIL )

Về giá bán, hầu hết các khách hàng đang đàm phán để giảm đơn đặt hàng. Những đơn hàng CMT, đơn hàng mà khách hàng chỉ phải trả chi phí nhân công, hiện cũng đang bị ép giá. Các nhà sản xuất sợi đã chứng kiến giá bán bình quân giảm 8% so với cùng kỳ trong tháng 8.

Về chi phí nguyên liệu, giá sợi bông và polyester đã giảm gần đây. Các công ty dự báo chi phí vải sẽ bắt đầu giảm trong quý IV khi nhu cầu vẫn chưa được phục hồi.

SSI Research: Ngành dệt may gặp khó khăn cho đến nửa đầu năm 2023 - Ảnh 2.

Giá sợ nhập khẩu của Việt Nam. Nguồn: SSI Research

Về tác động của tỷ giá, dù các công ty dệt may đều ghi nhận doanh thu bằng USD nhưng hầu hết các chi phí cũng được ghi nhận bằng USD như chi phí nguyên vật liệu, chi phí logistics và chi phí lãi vay. Tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm 2022, điều này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có chi phí bằng USD cao như Sợi Thế Kỷ ( HoSE: STK ), Dệt may Thành Công và Dệt may TNG.

Với những ảnh hưởng trên, SSI Research dự báo các doanh nghiệp dệt may sẽ ghi nhận doanh thu giảm và lỗ ròng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Theo Tiến Luật

Người Đồng Hành

https://ndh.vn/doanh-nghiep/ssi-research-nganh-det-may-gap-kho-khan-cho-den-nua-dau-nam-2023-1325015.html

Dệt may, da giày xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất

Dệt may, da giày xảy ra tai nạn lao động nhiều nhất

Dệt may, da giày chiếm gần 14,2% số vụ và 13,7% số người chết vì tai nạn lao động năm 2021, tiếp đến là khai thác mỏ – khoáng sản 13,3%.

Công bố của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ngày 6/4 cho thấy, trong nhóm ngành nghề xảy ra tai nạn lao động cao còn có sản xuất vật liệu xây dựng chiếm 10,6% số vụ; xây dựng 9,7%; cơ khí – luyện kim và dịch vụ cùng chiếm 6,2%. Số người chết vì tai nạn lao động cao nhất trong lĩnh vực dệt may, da giày chiếm 13,7%; khai thác mỏ, khoáng sản 12,8% và xây dựng nói chung khoảng 10,3%.

Năm 2021, cả nước xảy ra hơn 6.500 vụ tai nạn lao động làm hơn 6.600 người gặp nạn. Tổng chi phí cho tai nạn lao động và thiệt hại tài sản gần 4.000 tỷ đồng, chủ yếu là tiền thuốc men, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết, người bị thương; mất hơn 116.000 ngày công; gần 19.000 người phải đi khám, điều trị. So với năm 2020, tai nạn lao động đã giảm về số vụ, người chết và bị thương, ở trong và ngoài khu vực quan hệ lao động.

TP HCM, Hà Nội, Hải Dương, Thanh Hóa, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Thái Nguyên là những địa phương xảy ra tai nạn lao động có số người chết nhiều nhất.

ValuesLĩnh vực nhiều tai nạn lao động nhất năm 2021Nguồn Bộ Lao động Thương binh và Xã hộiSố vụNgười chếtDệt may, da dàyKhai thác mỏ,khoáng sảnSản xuất vật liệuxây dựngXây dựngCơ khí, luyện kimDịch vụ051015VnExpressDịch vụ● Người chết: 5.3

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn lao động là chủ doanh nghiệp chưa chú ý quy định pháp luật về quản lý kiểm soát rủi ro; người lao động thiếu kiến thức, kỹ năng an toàn khi làm việc, một phần có thể do ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần thời kỳ hậu Covid-19. Cục An toàn lao động cảnh báo tác động của dịch bệnh, việc khôi phục sản xuất kinh doanh sẽ khiến nguy cơ mất an toàn lao động gia tăng, các địa phương cần dành nhiều nguồn lực hơn cho công tác này.

Để giữ an toàn cho người lao động trong bối cảnh trần làm thêm đã tăng từ 40 lên 60 giờ mỗi tháng, tối đa 300 giờ mỗi năm ở tất cả ngành nghề, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng An toàn lao động, nhấn mạnh mức trần này không bắt buộc, có sự chấp thuận của người lao động thì giới chủ mới được tổ chức làm thêm giờ. Đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt áp dụng tới hết năm 2022 để doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Ông Thắng cho hay, các cơ quan nhà nước sẽ tăng cường thanh tra, công đoàn cơ sở giám sát chặt để đảm bảo giờ làm thêm, tiền lương, phúc lợi thực hiện đúng quy định. Với hàng loạt công nhân từng là F0, mắc nhiều di chứng hậu Covid-19, doanh nghiệp sẽ phải khám sức khỏe định kỳ cho cho lao động xem có thể tăng ca hay không.

Bên trong phân xưởng dệt bao bì phục vụ trong công - nông nghiệp. Ảnh: Lam Lê

Bên trong phân xưởng dệt bao bì phục vụ trong công – nông nghiệp. Ảnh: Lam Lê

Nguồn: https://vnexpress.net/det-may-da-giay-xay-ra-tai-nan-lao-dong-nhieu-nhat-4448198.html